Xã hội hóa trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại thôn Đông Sàng - xã Đường Lâm

24/05/2022
Xã hội hóa trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại thôn Đông Sàng - xã Đường Lâm
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, các xã phường trên địa bàn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.

Thôn Đông Sàng - xã Đường Lâm là một trong những đơn vị điển hình thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích, được chính quyền và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.

Đình Đông Sàng khang trang sau khi được tu bổ, tôn tạo 

Dẫn chúng tôi đến thăm đình Đông Sàng, ông Nguyễn Văn Khải – Trưởng thôn Đông Sàng phấn khởi cho biết: toàn bộ ngôi đình khang trang, to đẹp được tu bổ, xây dựng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đình Đông Sàng có từ lâu đời. Đến năm 1632, đình được Bà Chúa Mía công đức, cùng nhân dân tôn tạo lại. Trải qua lịch sử thời gian, ngôi đình bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cột đã bị mối mọt, mục gãy làm võng mái, ngói bị xô lệch gây thấm dột khi trời mưa. Trước thực trạng đó, lãnh đạo thôn quyết định xin ý kiến nhân dân triển khai công tác tu bổ, tôn tạo lại ngôi đình và nhận được sự nhất trí cao của nhân dân. Việc huy động xã hội hóa là nhiệm vụ then chốt được cấp ủy, chính quyền thôn tập trung thực hiện. Ngay khi phát động, các gia đình, dòng họ đều tích cực tham gia ủng hộ. Con em địa phương công tác ở nơi xa cũng gửi tiền về đóng góp. Cùng với đóng góp về tiền, hiện vật, nhân dân còn đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, tạo nên sức mạnh đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Bài học kinh nghiệm trong công tác xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích của thôn Đông Sàng chính là huy động sức dân: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân, thôn còn thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đình làng và các tiểu ban: kỹ thuật, vật tư, tài chính, tuyên truyền, công đức, bảo vệ; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát. Quá trình thi công, ban giám sát kiểm tra từ nguồn nguyên liệu đến khi thực hiện. Nhờ sự đóng góp của nhân dân từ năm 2008 đến nay, toàn bộ công trình đình Đông Sàng được tu bổ khang trang, bề thế. Hệ thống nhà tiền tế, hậu cung, tả mạc, hữu mạc, nghi môn, sân, vườn được xây dựng kiên cố với tổng giá trị trên 10 tỷ đồng bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Khu di tích Văn chỉ mới được đầu tư tu bổ, tôn tạo bằng nguồn vốn xã hội hóa

Đứng trước khu Văn chỉ - công trình được tu bổ, tôn tạo chào mừng Đại hội Đảng bộ xã Đường Lâm lần thứ XXV nhiệm kỳ 2020 - 2025 mới cảm nhận hết sự khang trang của di tích được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa. Từ tiền đường, hậu cung, công trình phụ trợ đều được tu bổ đồng bộ, tạo diện mạo mới trên cơ sở đảm bảo các giá trị gốc. Theo các vị cao niên trong làng Đông Sàng, Văn chỉ là biểu tượng thờ đạo học của người xưa. Nơi đây thờ Đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền đỗ đạt trong các kỳ thi. Trải qua gần 1.000 năm khoa cử phong kiến, làng Đông Sàng có nhiều vị đỗ bậc đại khoa như tiến sĩ, phó bảng. Các vị đại khoa này đều được ghi tên trong Văn chỉ làng Đông Sàng. Tiêu biểu là 3 bậc đại khoa: Tiến sĩ Kiều Phúc, đỗ năm 1493 đời vua Lê Thánh Tông; Tiến sĩ Kiều Văn Bá, đỗ năm 1511 đời vua Lê Tương Dực; Phó bảng Kiều Oánh Mậu, đỗ năm 1880 đời vua Tự Đức. Văn chỉ của làng được dựng lên nhằm biểu dương những người đỗ đạt làm vinh hiển cho dân làng. Ngày nay, dù trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng truyền thống hiếu học của làng Đông Sàng vẫn được tiếp nối. Việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích Văn chỉ làng Đông Sàng có ý nghĩa quan trọng với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân bởi đây không chỉ là nơi tỏ lòng kính trọng nho học mà còn là nơi nhắc nhở con cháu tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương.

Bia tôn tạo di tích bằng nguồn xã hội hóa tại đền Phủ

Cũng theo đồng chí Kiều Văn Quang - Bí thư Chi bộ thôn, Đông Sàng là một trong 5 thôn thuộc Di tích Làng cổ ở Đường Lâm với 560 hộ, 2.134 nhân khẩu. Trên địa bàn thôn có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời như: chùa Mía, đền Phủ, đình Đông Sàng, đình Tổng, Văn chỉ, Võ chỉ. Mỗi di tích đều mang một nội dung, giá trị khoa học, lịch sử riêng. Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 14/12/2012 của Ban Thường vụ Thị ủy về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm giai đoạn 2012 - 2020”, đến nay toàn bộ các di tích lịch sử của thôn đều được trùng tu xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Điển hình như năm 2017, thôn vận động ủng hộ được trên 400 triệu đồng để tu bổ các công trình phụ trợ, sân vườn trong khu di tích đền Phủ - nơi thờ Bà Chúa Mía - cung phi của chúa Trịnh Tráng hồi thế kỷ thứ 17. Đến năm 2018, được sự nhất trí của chính quyền địa phương, nhân dân trong thôn tiếp tục tu sửa, tôn tạo nhà tiền đường thuộc di tích đình Tổng Cam Giá (Mía) - nơi thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Năm 2019 và đầu năm 2020, với sự công đức của nhân dân và các nhà hảo tâm, thôn Đông Sàng tiếp tục tôn tạo lại nhà tiền đường, cổng, hệ thống tường bao, sân vườn khu Văn chỉ với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.

Cùng với hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích, những năm qua cấp ủy, chính quyền thôn Đông Sàng tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về công tác bảo tồn phát huy giá trị các di tích; tích cực kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản văn hóa tại các điểm di tích để ngăn ngừa, xử lý kịp thời vi phạm; thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng các di tích để có phương án bảo vệ di tích hiệu quả. 

Việc xã hội hóa trong hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích không chỉ tạo được nguồn lực tài chính mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử trong các tầng lớp nhân dân. Nhờ thường xuyên được trùng tu, tôn tạo, hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thôn Đông Sàng ngày càng khang trang góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới./.

THÔNG BÁO